Việt Bắc (1954)

Tác giả : Tố Hữu

29 đánh giá - 4/5 điểm

Giới thiệu về tập thơ Việt Bắc

Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác chủ yếu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), gồm tổng cộng 24 bài (trong đó có 6 bài dịch, 3 bài sáng tác sau 1954). Ngoài ra, tập thơ này còn có những bài dịch thơ nước ngoài được đăng trong mục của các tác giả gốc: Đợi anh về (dịch thơ Simonov, Nga), A-liêu-sa nhớ chăng (dịch thơ Simonov, Nga), Hành khúc (dịch thơ Aragon, Pháp), Nếu thầy mẹ chết (dịch thơ Ethel Rosenberg, Mỹ). Đây là bức tranh tâm tình của con người Việt Nam trong kháng chiến, thể hiện quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước. Cuộc kháng chiến thật nhộn nhịp, hồ hởi nhưng vô cùng gian khổ, đau thương.

Nổi bật nhất trong tập thơ là hình ảnh quần chúng nhân dân, những người gánh cả cuộc kháng chiến trên vai. Ðó là anh bước chân người chiến sĩ vào trận tuyến nơi núi rừng Tây Bắc (bài Lên Tây Bắc), là em bé liên lạc mồm huýt sáo vang (bài Lượm), tiếng hò kéo pháo lên chiến dịch (bài Voi). Trên hết là hình ảnh Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu - vừa cao cả, lớn lao vừa bình dị, gần gũi. Một trong những điểm nổi bật của tập thơ Việt Bắc là sự khắc họa chân thực những nhân vật văn học đại diện cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam kháng chiến, những con người mới của thời đại mới, mà ở đây là hình ảnh Hồ Chí Minh - hiện thân cho tinh hoa và trí tuệ của dân tộc.

Trong bài Sáng tháng Năm, hình ảnh Hồ Chủ tịch là hình ảnh của người cha thân yêu và hiền từ, là hình ảnh chói lọi làm "trong sáng lòng anh xung kích", làm "vững tay người chiến sĩ nông thôn", vững tay anh công nhân quốc phòng, em học sinh đốt đuốc đến trường làng và "các chị dân công mòn đêm vận tải".

Tập thơ đánh dấu một bước phát triển của thơ Tố Hữu về giọng điệu, ngôn ngữ. Chất dân tộc đậm đà trong thi liệu bình dị, thể thơ quen thuộc như thơ lục bát và thơ xen song thất lục bát.

Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu thực sự có giá trị và giữ vị trí xứng đáng trong nền thơ ca kháng chiến, bởi nó đã góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản đặt ra cho nền văn nghệ mới Việt Nam sau 1945. Đó là vấn đề dân tộc và đại chúng, vấn đề nghệ thuật và tuyên truyền, vấn đề vốn sống và kỹ năng nghề nghiệp, vấn đề hiện thực và lãng mạn, vấn đề nội dung và hình thức Tố Hữu trong tập thơ Việt Bắc đã góp phần của mình không bằng lý luận mà bằng sáng tác, để giải quyết các vấn đề đó, và trở thành ngọn cờ tiêu biểu, đứng ở hàng đầu nền thơ ca cách mạng sau 1945. Từ Việt Bắc chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu về con đường đi của thơ đó là con đường gắn bó với nhân dân phục vụ lợi ích của cách mạng.

Về Việt Bắc, nhà thơ Xuân Diệu nhận định : "Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên". (Xuân Diệu - "Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu")

Những bài thơ tiêu biểu trong tập thơ : 

  • Phá đường
  • Bà mẹ Việt Bắc
  • Bầm ơi
  • Lượm
  • Sáng tháng Năm
  • Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
  • Việt Bắc
  • Ta đi tới

 

(*) Tập thơ Việt Bắc (1954) của nhà thơ Tố Hữu , được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.