Tiếng hát trong rừng

Tác giả : Hữu Thỉnh

29 đánh giá - 4/5 điểm

Vài nét về tập thơ "Tiếng hát trong rừng" của tác giả Hữu Thỉnh

Tập thơ "Tiếng hát trong rừng" của tác giả Hữu Thỉnh được xuất bản vào năm 1985. Tập thơ chứa những câu thơ đầu tay của Hữu Thỉnh cất lên từ những cánh rừng Trường Sơn được ông gọi là “Tiếng hát trong rừng”. Ông viết về đồng đội, về cơn sốt rét rừng, về những trận bom và vết hằn xe xích, về mây, suối, dốc, thác Trường Sơn.

Bao trùm lên toàn bộ sáng tác của Hữu Thỉnh là cảm hứng về đất nước, nhân dân, và tập thơ "Tiếng hát trong rừng" cũng không ngoại lệ. Đất nước của anh là một Việt Nam kiên cường bất khuất đã khẳng định và “hoàn thiện tư cách dân tộc” của mình. Nhân dân của anh là những số phận thầm lặng, những con người biết chịu đựng và biết hy sinh.

Sự lựa chọn nghệ thuật đó không chỉ là tiền đề tạo nên sự thành công của thơ Hữu Thỉnh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước - một thời đại lý tưởng của thơ ca - (Tiếng hát trong rừng, Đường tới thành phố), mà còn giúp anh đi xa hơn, tìm được sự đồng cảm sâu sắc hơn khi anh tiếp tục mạch đề tài vận mệnh Tổ quốc (Trường ca biển) hay trở về với những xúc cảm đời thường, những thân phận cá nhân trong cõi nhân gian, “Cõi người” theo cách gọi của chính anh (Thư mùa đông).

Thơ Hữu Thỉnh kết hợp hài hoà những yếu tố truyền thống và hiện đại, nhuần nhị bản sắc phương Đông mà vẫn có nhiều cách tân mới lạ. Cây và hệ thống các thủ pháp miêu tả và biểu hiện, so sánh, ví von, nhân hoá và lạ hóa… cũng không là ngoại lệ.

Từ cái biểu đạt đến cái được biểu đạt, từ hình ảnh đến biểu tượng, từ hiền hòa đến gai góc, từ cận cảnh đến viễn cảnh…, cây trong thơ Hữu Thỉnh là dấu ấn thi pháp, là gương mặt và số phận con người, là kí ức dân tộc và tín hiệu văn hóa. Một cách khái quát, cây là sinh mệnh thứ hai có sức sống và độ ám ảnh, là yếu tố nổi bật làm nên một phong cách thơ độc đáo và dồi dào tiềm lực sáng tạo.

Tập thơ "Tiếng hát trong rừng" qua ngòi bút của Hữu Thỉnh như một hành tinh thu nhỏ với lớp lớp những hình bóng thiên nhiên: mây và gió, cỏ và hoa, đồi và núi, biển và đảo, cây và rừng… Song, trong quần thể thiên nhiên sống động, nhiều màu đó, cây thực sự là một kí hiệu nghệ thuật, một sinh mệnh thơ ca không chỉ bởi tần số hiển thị nơi văn bản thơ mà sâu xa hơn là ở sự chuyển tải cảm xúc và trí tuệ của nhà thơ.

Khác với văn xuôi, thiên nhiên đi vào thơ qua cửa ngõ tâm trạng của chủ thể. Đó là đối tượng để chiếm lĩnh, nhào nặn, đồng hoá, là nơi bắt đầu của hệ ẩn dụ nghệ thuật, là nguồn tưởng tượng và liên tưởng mang tính đặc trưng của phương thức trữ tình.

Đặc biệt, trong thế giới nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh, “hình cây bóng lá” là một kiểu nhân vật trữ tình chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm, những vui buồn riêng tư và nỗi niềm nhân thế. Nó là sự kết hợp giữa mã tư tưởng và mã nghệ thuật, có một đời sống riêng, một quá trình vận động song hành với từng chặng đường sáng tác của nhà thơ. 

Có thể khẳng định, từ không gian vô bờ của thiên nhiên, biểu tượng cây trong thế giới thơ Hữu Thỉnh thực sự là cả một cõi nhân gian, cõi người với bao vui – buồn, sướng – khổ, được – mất… Trong hệ sinh thái bao bọc đời sống nhân thế, tác giả đã lựa chọn cây để kí thác những tâm tư và suy nghĩ, cảm xúc và tư tưởng của một ngòi bút từng trải mà mộng mơ, sâu sắc, tài hoa mà thanh thoát, tinh tế, ham triết lí mà vẫn đằm thắm, tình tứ…

Những thông điệp nghệ thuật được nhà thơ gửi gắm vào cây giàu ý nghĩa nhân văn bởi nó thể hiện tình thương yêu, nỗi đau và niềm tin trước cuộc đời. Thơ Hữu Thỉnh kết hợp hài hoà những yếu tố truyền thống và hiện đại, nhuần nhị bản sắc phương Đông mà vẫn có nhiều cách tân mới lạ. Có lẽ, đó cũng là lý giải hợp lý cho việc các tác phẩm của ông nói chung và tập thơ "Tiếng hát trong rừng" nói riêng vẫn luôn có chỗ đứng riêng trong lòng độc giả.

 

(*) Tập thơ Tiếng hát trong rừng của nhà thơ Hữu Thỉnh , được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.