Gió lộng (1961)

Tác giả : Tố Hữu

29 đánh giá - 4/5 điểm

Giới thiệu về tập thơ Gió lộng của Tố Hữu

Tập thơ Gió lộng được Tố Hữu viết trong khoảng thời gian miền Bắc đang xây dựng xã hội chủ nghĩa và miền Nam đang tiếp tục đấu tranh chống Mỹ. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước được triển khai. Tập thơ Gió lộng thể hiện nỗi niềm phấn chấn của người xây dựng đất nước: "Gió lộng đường khơi rộng đất trời".
Tập thơ mở ra niềm vui lớn vì nửa nước được giải phóng, nhưng là niềm vui chưa trọn vẹn vì:

Ðường giải phóng mới đi một nửa
Nửa mình còn trong nước lửa sôi
Một thân không thể chia đôi
Lửa gươm không thể cắt rời núi sông
(Ba mươi năm đời ta có Ðảng)

Cái tôi trữ tình sôi nổi được bộc lộ trên nền hiện thực hoành tráng của cuộc sống mới. Gió lộng còn là thơ của lòng tri ân, nghĩa tình đối với Ðảng, Bác Hồ, với nhân dân. Tinh thần quốc tế vô sản cũng được đề cập (qua tình cảm đối với Liên Xô, Lê Nin).  Giọng anh hùng ca ngày càng khẳng định, đề tài có sức bao quát hiện thực, ý thơ mang tầm tư tưởng cao.

Từ khi mới ra đời, tập thơ gió lộng đã nhận được sự đón tiếp của đông đảo công chúng và giới phê bình văn học. Nhà phê bình Hoài Thanh trong bài giới thiệu về tập thơ Gió lộng đã viết về những giá trị cơ bản của tập thơ : "Gió lộng trước hết là một tiếng ca vui của nhân dân ta trên miền Bắc sau khi hòa bình lập lại. Một cái vui đầy tự hào của người chiến thắng." Nhà nghiên cứu đã khái quát những giá trị nội dung cơ bản của tập thơ, trên cơ sở so sánh đối chiếu, Hoài Thanh đã phát hiện ra lối tư duy thơ khá độc đáo của Tố Hữu : trong với ngoài, xa với nay gắn bó khăng khít với nhau, đó có thể xem là một đặc điểm, một ưu điểm của lối nhìn, lối nghĩ, lối cảm xúc của Tố Hữu trong Gió lộng.

Về tập thơ Gió lộng, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nhận định rằng : "Gió lộng theo tôi là tập thơ chín nhất của Tố Hữu trong nền thơ nước Việt dân chủ cộng hòa. Chín về bút pháp, chín về sự hòa nhập khách thể đời sống và chủ thể trữ tình. Bài ca mùa xuân 1961, Em ơi... Ba Lan..., Tiếng chổi tre, Mẹ Tơm khi đó là những bài thơ xuất sắc của cả nền thơ. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, đặc biệt là cách sử dụng âm điệu (Em ơi... Ba Lan..., Tiếng chổi tre...) rất sáng tạo. Hình ảnh người dân thường đánh giặc (Mẹ Tơm và sau này Mẹ Suốt) đã thành những đài kỉ niệm bất tử của chiến tranh nhân dân. Sức khái quát chủ đề và dung lượng đề tài rất rộng, mang tính sử thi, tính anh hùng ca nhưng không quá sao nhãng yếu tố trữ tình, cá thể hóa của cảm xúc." - Nhà thơ Vũ Quần Phương

Những bài thơ tiêu biểu trong tập thơ Gió lộng :

  • Trên miền Bắc mùa xuân
  • Với Lê Nin
  • Người con gái Việt Nam
  • Thù muôn đời muôn kiếp không tan
  • Em ơi...Ba Lan
  • Ba mươi năm đời ta có Đảng
  • Tiếng ru
  • Bài ca xuân 1961
  • Mẹ Tơm

 

(*) Tập thơ Gió lộng (1961) của nhà thơ Tố Hữu , được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.