Từ ấy (1946)

Tác giả : Tố Hữu

29 đánh giá - 4/5 điểm

Giới thiệu về tập thơ Từ ấy

Tập thơ Từ ấy (1937 - 1946) là chặng đường thơ đầu tiên trong đời thơ Tố Hữu, gắn liền với quá trình vận động của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Tập thơ gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xíchGiải phóng. Các phần đều phản ánh rõ nét quá trình giác ngộ và trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi.

Phần đầu tiên Máu lửa gồm 27 bài, là thơ của thời kỳ Mặt trận Dân chủ, tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại như chống phát xít, phong kiến, đòi hoà bình, cơm áo, vấn đề quyền sống con người và cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là giai đoạn nhà thơ bước vào tuổi thanh niên, được gặp gỡ lý tưởng cộng sản và trở thành một người chiến sĩ hăng hái, một người lãnh đạo phong trào thanh niên dân chủ ở Huế.

Phần Máu lửa cũng cho thấy nội dung chủ đạo là tiếng lòng đồng cảm với những thân phận bị đọa đày, hắt hủi của những người lao động nghèo khổ ở thành thị, được thể hiện rõ nét qua các bài thơ như Hai đứa trẻ, Vú em,...

Xiềng xích gồm 30 bài, được sáng tác trong thời gian tác giả bị giam tại nhà tù đế quốc từ tháng 4 năm 1939 đến tháng 3 năm 1942. Phần này như một bản quyết tâm thư của người chiến sĩ trẻ tuổi tự nhủ với lòng mình không khuất phục trước súng đạn và sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù, không nản chí trước mọi khó khăn trở ngại.

Phần Giải phóng gồm 14 bài, được tác giả viết từ lúc vượt ngục đến một năm sau ngày độc lập, chủ yếu ngợi ca lý tưởng, quyết tâm đuổi giặc, cứu nước và niềm vui chiến thắng.

Tập thơ Từ ấy là một mốc son đánh dấu sự chuyển biến trong cuộc đời, trong thơ Tố Hữu. Như chính nhà thơ đã từng viết “ Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám đôi mươi, đi theo lí tưởng cao đẹp dám sống, dám đấu tranh ”. Có thể thấy được trong tập thơ là niềm vui sướng, say mê mãnh liệt của nhà thơ Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cuộc sống và tác dụng kì diệu của lý tưởng cách mạng đối với đời thơ Tố Hữu :

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Trong Từ ấy không chỉ có tiếng chim rộn rã và hương hoa của niềm vui vừa bắt gặp lý tưởng, mà còn có lời an ủi, động viên chân tình đối với những số phận bất hạnh. Và sau cùng, nhân danh cách mạng, Từ ấy là tiếng thét đầy hờn căm, là hồi kèn xung trận thôi thúc mọi người xông lên, vào trận chiến mất còn với kẻ thù để giành lại quyền sống.

Tập thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo bước ngoặt lớn cho quá trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. “Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ.”

(Tố Hữu với chúng tôi, 1975, Xuân Diệu)

Một số bài thơ tiêu biểu trong tập thơ Từ ấy

  • Mồ côi
  • Hai đứa bé
  • Đi đi em !
  • Vú em
  • Dửng dưng
  • Tiếng hát sông Hương
  • Từ ấy
  • Tâm tư trong tù
  • Trăng trối
  • Dậy mà đi
  • Vui bất tuyệt
  • Hồ Chí Minh

(*) Tập thơ Từ ấy (1946) của nhà thơ Tố Hữu , được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.