Thơ thơ (1938)

Tác giả : Xuân Diệu

29 đánh giá - 4/5 điểm

Tựa

Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn ân ái. Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới chân, những hương sắc nẩy ra bởi ánh sáng của lòng chàng. Thơ Thơ là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian. Và từ đây, chúng ta đã có Xuân Diệu.

Loài người hãy hiểu con người ấy!

Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian; ông đã không trốn tránh mà lại còn quyến luyến cõi đời, và lời nguyền ước của ông có bao nhiêu sức mạnh:

Ta ôm bó, cánh ta ta làm rắn
làm giây đa quấn quít cả mình xuân
không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần
chân hoá rễ để hút mùa dưới đất

Là một người sinh ra để mà sống, Xuân Diệu rất sợ chết, sợ im lặng và bóng tối, hai hình ảnh của hư vô. Mục đích của đời người có phải là hạnh phúc đâu! Mục đích chính là sự sống. Mà còn gì làm sự sống đầy đủ hơn Xuân và Tình?

Cho nên Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chât đầy trong bầu tim mấy trời thanh sắc. Ông hăm hở đi tìm những nơi sự sống dồi dào tụ lại. Khi ông khao khát vô biên, tuyệt đích, chẳng phải ông muôn lên tới đỉnh cao nhất của sự sống đó sao? ham yêu, biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu, vì ông thấy chỉ tình yêu mới gồm được bao nhiêu ý nghĩa.

Nhưng Xuân Diệu không dài dặc. Tình có bền đâu! Xuân với tình cũng vô định như sự thực không bền, và lại còn mong manh hơn cuộc đời chảy trôi. Bởi thế, Xuân Diệu vội vàng, bao giờ cũng lo âu thắc mắc. Luôn luôn tận tâm, siêng năng mà sống, ông mau mau đem hết cả tâm hồn mà tặng cho đời, và ông cũng đòi hết cả tâm hồn của người yêu dấu, của trời đất, của mọi sự trên trần gian. Ta thấy cả nỗi cuống quít, sảng sốt của thi nhân giơ tay với lấy giây phút qua, bám lấy bầu trời xuân hồng, và rên rỉ thở than với người yêu dấu. Người tình nhân ấy có những câu não nuột thấm thía, khiến nụ cười ta rung ở miệng cùng nước mắt ứa dưới hàng mi...

Sở dĩ Xuân Diệu tham lam tình yêu, chất chứa vào lòng, không chán, không đủ, không nguôi, là bởi thi sĩ rất sợ cô độc. Ông muốn biến ra nhiều thân, hoá thành muôn, ức, triệu, vì ông thấy người ta đều chỉ trơ trọi một mình. Ông tìm sự gần gụi vì ông quá riêng tây, ông thấy nỗi mênh mông của tâm hồn nên ông muốn thành một cây kim để hút vào mình thiên hạ.

Thơ Xuân Diệu do đấy mà buồn tịch mịch ngay trong những điều ấm nóng reo vui. Lạnh lùng ám khắp mọi nơi “xa vắng gồm tự muôn đời” ở đâu cũng là nơi nhớ nhung, thương tiếc. Lòng thi sĩ thấy rõ những điều trái ngược: nồng nàn bởi vì thê lương, khăng khít nhưng vẫn hững hờ, bao nhiêu éo le của cảnh đời mà Xuân Diệu yêu tới đau khổ. Thơ Xuân Diệu là hơi thở thầm kín, giấu diếm, trong đó ẩn sự huyền bí ghê rợn của một đêm trăng, sự não nùng bao la của một buổi chiều, và tât cả tâm hồn khó hiểu của người, của cảnh.

Rồi càng khó hiểu, người thi sĩ càng cố tìm. Ông dò xét cái “thế giới bên trong” lượm lặt từng sợi tơ mềm yếu, từng mảnh nhớ thương, từng vụn sầu tủi. Ông nghiệm thấy rằng:

Phải can đảm mới bền gan yếu đuối
Phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ

Nên chịu mất một ít kiêu căng để được thêm rất nhiều sự sống. Và ông đã du ngoạn trong xứ yêu mến, nói cho ta hay những đường lối ẩn khúc quanh co.

Ông còn nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế. Con người phức tạp cũng đơn sơ, con người thiết thực cũng mơ mộng; ông có một trái tim, nhưng ông còn có một linh hồn. Ông tỏ ra đã từng vào trong thế giới của mọi sự u huyền: hương trầm, âm nhạc, thời khắc, khói sương... tất cả đều nói cho ông nghe những lời chi ly và những giây liên lạc.

Với những câu thơ ít lời nhiều ý, súc tích như đọng lại bao nhiêu tinh hoa, Xuân Diệu lại là một tay thợ biết làm ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dang và cần mẫn.

Nhưng ở trên nhà nghệ thuật, ở trên nhà thi sĩ, ta thấy lòng mến yêu một linh hồn mở rộng, một tấm lòng chào đón, một con người ân ái, đa tình. Người ây chắc không cần phải quá đợi chờ, van xin, vì lẽ nào cõi đời còn mãi mãi lạnh lùng vô tri, khi đã nghe tiếng đàn si mê của Xuân Diệu?

Thế Lữ

(*) Tập thơ Thơ thơ (1938) của nhà thơ Xuân Diệu , được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.